Đặc điểm Thái cực quyền

Tư tưởng

Tên gọi Thái cực quyền xuất phát từ tư tưởng Thái cực trong Chu dịch và học thuyết Âm Dương: Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng (hai chân, hai tay), Tứ tượng sinh Bát quái (tám tiết đoạn của tay chân gập duỗi được), Bát quái biến 64 quẻ... "Thái" ở đây nghĩa là to lớn, "cực" nghĩa là điểm bắt đầu. Thái Cực Đồ nói rằng: "Vô cực mà thái cực". Dùng lối thở bụng của Đạo gia, Thái cực quyền khiến người tập hô hấp thâm trường không bị rối loạn, sức mạnh gia tăng, hình thành một công phu đặc thù trong võ học. Các động tác của bài quyền uyển chuyển và mềm mại, trong nhu có cương, dung hợp với học thuyết kinh mạch âm dương. Thái cực quyền đã trở thành một phương pháp tập luyện trong ngoài tương ứng, hình thức và tâm ý kết hợp[7].

Tính nhân văn

Nét chính yếu của Thái cực quyền là mô phỏng các hiện tượng tự nhiên. Nhiều chiêu thức trong bài hình ít nhiều mang đặc tính lãng mạn và nhân văn, ví dụ như: vân thủ (nghĩa là chiêu thức xoay tay như mây trắng xoay cuộn giữa trời xanh), bạch hạc lượng xí (con chim hạc vui múa), ngọc nữ xuyên thoa (thiếu nữ may áo), chuyển thân bài liên (lá sen lay động trước gió), như phong tự bế (như gió thổi làm cửa đóng), hải để châm (kim châm đáy bể) v.v. Thái cực quyền cũng là bộ môn ứng dụng nội công, rất thâm thúy và sâu sắc, với những tâm pháp mà các môn sinh phải thuộc nằm lòng để thi triển và ứng dụng hữu hiệu. Tuy chỉ có một bài quyền với các chiêu thức đơn giản nhưng người tập phải trải qua một tiến trình tập rất dài mới thấu hiểu lý pháp.

Nguyên tắc tập luyện

Các nguyên tắc, yếu lĩnh tập luyện khai triển Thái cực quyền mỗi dòng phái có sự dị biệt ít nhiều, tuy nhiên thường có một vài nguyên tắc khá liên quán, thống nhất. Dưới đây là một số nguyên tắc của dòng Dương thức Thái cực quyền:

-Tư thế:

  • Hư linh đỉnh kình: đầu cổ ngay thẳng, thần quán ở đỉnh
  • Hàm hung bạt bối: ngực lõm, lưng phẳng
  • Trầm kiên trụy chẩu: vai lỏng chỏ buông

-Thần thế:

  • Khí trầm đan điền: ý thức đặt tại đan điền(cách rốn 3 đốt ngón tay về phía dưới) tự nhiên không gò bó

-Vận động:

  • Tùng yêu: chân tay theo sự vận động của eo, lấy eo làm chỗ dựa
  • Phân hư thực: hư, thực rõ ràng.
  • Dụng ý bất dụng lực: lấy ý điều khiển động tác
  • Thượng hạ tương tùy: trên dưới theo nhau
  • Nội ngoại tương hợp: trong ngoài hợp nhau, tâm ý khí lực là một
  • Tương liên bất đoạn: động tác liên tiếp không dừng, thao thao bất tuyệt, liên miên như kéo tơ.
  • Động trung cầu tịnh: Trong động tìm cái tĩnh. Lấy tĩnh chế động.
  • Khúc trung cầu thực: Trong cái gập, tìm cái thẳng.

Bài hình

Từ giai đoạn đầu với 7 bài quyền và các công phu bổ trợ, nhiều bài kiếm, thương, đao do Trần Vương Đình đưa vào dòng họ, cho tới các đời sau đã hợp nhất lại thành 2 bài quyền là "Đệ nhất lộ" và "Pháo chùy quyền". Các lưu phái Thái cực quyền khác thuộc ngũ đại danh gia Thái cực (Trần, Dương, Ngô, Võ, Tôn), ngoại trừ Trần gia, về sau chỉ còn truyền lại 1 bài quyền. Từ thời điểm 1956, khi Dương gia Thái cực đã có bài 24 thức giản hóa, các dòng Trần gia, Võ gia..., bên cạnh bài gốc cũng đã đi theo xu hướng tinh giản các chiêu thức trùng lặp hoặc phức tạp, vốn không thuận tiện cho người già cả hay thể lực suy nhược, để hình thành thêm các bài rút gọn.

Các bài Thái cực kiếm, Thái cực côn, Thái cực phiến (quạt) v.v phần lớn do các võ phái đời sau nghiên cứu, xiển dương và sáng chế bổ túc cho võ phái của mình.

Chiêu thức trong bài Thái cực thường được chiết chiêu tập luyện song đối với kỹ pháp thôi thủ (đẩy tay), nhằm luyện cảm ứng lực để phản ứng với sự tấn công đối thủ trong thực chiến. Thôi thủ thường bao gồm Định bộ thôi thủ (thôi thủ với bộ pháp tĩnh tại) và Hoạt bộ thôi thủ (thôi thủ với bộ pháp linh hoạt).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thái cực quyền http://wenwu.blogspirit.com/archive/2007/09/12/s%E... http://thaicucquyen.com/viewthread.php?tid=401 http://www.thieulamthaicuc.com/?jumpto=arl4detail&... http://www.wushu-austria.com/taiji/46-form.mpg http://www.wushu-olympics.com/base/media/taiji/10-... http://www.youtube.com/watch?v=lyO5egEIVT8 http://www.taiji.de/taiji/head5_7/16-form.mpg http://thegioivothuat.net/?s=&m=news&c=37&id=444 http://www.vantuyen.net/index.php/?view=story&subj... http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2003/09/...